Thương mại điện tử làm cầu nối cho nhiều doanh nghiệp ra biển lớn
Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng cạnh tranh, việc chỉ đơn thuần đầu tư không còn đủ để đảm bảo thành công. Các doanh nghiệp cần có một chiến lược kinh doanh linh hoạt, biết cách tận dụng công nghệ, tạo ra những sản phẩm/dịch vụ độc đáo, kể câu chuyện của sản phẩm bằng hình ảnh, clip, dẫn dắt khách hàng đến quyết định mua hàng.
Thành công nhờ đón đầu
Công ty CP Sofia (TP HCM) chuyên kinh doanh hàng thời trang với mô hình truyền thống là mở chuỗi cửa hàng. Lúc cao điểm, Sofia có 25 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành nhưng đại dịch COVID-19 đã buộc Sofia đóng cửa toàn bộ, phải thay đổi hình thức kinh doanh. Nhờ việc chuyển đổi sang mô hình livestream chỉ từ 2 đơn hàng trong lần livestream đầu tiên cho đến khi đạt cột mốc ngàn đơn/ngày. Với chiến lược “hàng chất – giá mềm”, thường xuyên tặng quà cho người xem. Sofia đã vượt qua khó khăn, nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt theo dõi và đạt doanh số ấn tượng.
Công ty TNHH Ba Thức Food là một trong những DN đã có một hành trình khởi nghiệp đầy ấn tượng được dẫn chứng tại hội nghị TikTok toàn cầu diễn ra ở Indonesia. Từ việc kinh doanh sản phẩm cho mẹ và bé không mấy thành công, Ba Thức Food đã tìm thấy “mỏ vàng” khi chuyển sang bán các sản phẩm đặc sản như khô hải sản, mật ong, cà phê trên TikTok Shop. Thời điểm tháng 7-2022, đơn hàng bình thường từ 50-100 tăng vọt lên 700-1.000 đơn/ngày. Đến mùa Tết 2023, Ba Thức Food cũng một phen “cháy” hàng khi tăng vọt lên 2.000-3.000 đơn hàng/ngày. Thành công của Ba Thức Food không chỉ đến từ sản phẩm chất lượng mà còn nhờ vào việc tận dụng tối đa các công cụ và tính năng của nền tảng.
Một buổi livestream bán bò khô online của Ba Thức Food. Ảnh: AN NA
Thích ứng và chuyển đổi nhanh
Với 7 năm kinh nghiệm “chinh chiến” trên các sàn thương mại điện tử, anh Trần Lâm, người đứng sau 5 thương hiệu thành công gồm: Julyhouse, Macaland, Loli&theWolf, HevieFood và BuB&MuM với tổng doanh thu từ 5 thương hiệu này lên đến 70 tỷ đồng/năm. Anh đã chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của thị trường này. Từ giai đoạn “vàng” với nhiều ưu đãi, các sàn thương mại điện tử hiện nay dần cắt giảm các ưu đãi cho nhà bán hàng. Ngoài ra, sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu lớn trên sàn thương mại điện tử cũng gây sức ép cho các doanh nghiệp nhỏ, thị trường thương mại điện tử trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Để thích nghi với điều này, các nhà bán hàng cần có chiến lược đa dạng hóa kênh bán hàng thay vì chỉ phụ thuộc vào số lượng truy cập của sản. Các doanh nghiệp phải phân tích được lợi thế của mình, cần có sự khác biệt để thu hút khách. Thường xuyên cập nhật xu hướng và điều chỉnh liên tục, đáp ứng mọi thay đổi để không bị thụt lùi.
Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp vẫn có thể phát triển được bởi các sàn thương mại điện tử đã vào giai đoạn ổn định, có hệ thống chính sách rõ ràng. Nếu làm tốt, nhà bán hàng có thể dễ điều chỉnh các hoạt động của DN mình để đạt được mục tiêu đề ra
Nguồn: Người Lao Động